Ngòi Dẫn Của Xã Hội Bất Tuân Phục
. Đinh Tấn Lực
“Những ai tự khẳng định lòng ưu ái tự do, và chưa hề phản đối các thứ độc tài áp đặt, đều đích thị là những kẻ mong gặt hái hoa màu mà không muốn bỏ công cày đất”. - Frederick Douglas
Cách đây 3 năm, vào giữa tháng 11-2006, lãnh đạo ta đã không dấu niềm cực hãnh được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ghé thăm và ban cho câu trướng xiển dương 4 điểm chung giữa 2 đảng cầm quyền 2 nước, gọi tắt là “4 tương”: Sơn thủy tương liên – Văn hóa tương thông – Lý tưởng tương đồng – Vận mệnh tương quan.
Lẽ ra, niềm hãnh diện đó còn có khả năng vượt qua cực điểm kích ngất nói trên, bởi chí ít, Hồ chủ tịch lẽ ra phải đủ thông minh và tế nhị để tương thêm những “8 tương” cơ bản khác nữa, gọi là để tăng thêm phần long trọng: Quan trí tương đương – Tham nhũng tương thích – Thông tin tương đắc – Chủ nghĩa tương lân – Chính sách tương hỗ – Hành xử tương xứng – Lợi quyền tương ngộ – Bạo lực tương tác.
Bạo lực chuyên chính ở VN hiển hiện suốt chiều dài lịch sử đảng CSVN, suốt chiều rộng tiếp thu các chiêu thức của TQ, và suốt chiều sâu oán hận của nhân dân, thông qua các chiến dịch đấu tố Cải cách ruộng đất, Xét lại, Nhân văn-Giai phẩm, chôn sống tập thể đồng bào vào dịp Tết Mậu Thân, tù cải tạo sau ngày Thống nhất… Cho tới gần đây là hàng loạt những vụ hạch sách/bắt bớ/giam cầm/áp án các vị chân tu Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Ngô Quang Kiệt, Nguyễn Công Chính… các Luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Chí Quang, Lê Công Định, Lê Trần Luật… các nhà hoạt động dân chủ/nhân quyền Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Trội, Vũ Hùng, Nguyễn Tiến Trung… các nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Khải Thanh Thủy… các nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải… các bloggers Điếu Cày, ChangeWeNeed, Mẹ Nấm, TrangRidisculous, Người Buôn Gió…
Căng hơn VN một tầng nấc, bạo lực chuyên chính ở TQ không chỉ diễn ra ở quảng trường Thiên An Môn cho cả thế giới chú mục hồi tháng 6-1989. Nó từng được ghi nhận qua từng thời kỳ/triều đại tổng bí thư… tính từ cuộc vạn lý trường chinh và cuộc cách mạng đại nhảy vọt trước đây, cho tới gần đây là các vụ đàn áp người Tây Tạng vào dịp Thế vận hội 2008. Gần hơn nữa là các vụ đàn áp sắc dân Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương…
Hầu hết các tờ báo quốc doanh của Hoa Lục đều im thin thít về những động thái đàn áp đẫm máu dã man và phi nhân tính đó. Ngoại trừ tờ Tài Kinh.
Tài Kinh, ra đời từ năm 1998, chuyên ngành tài chính-kinh tế với chủ trương canh tân/cải cách từ thương mại tới xã hội (và cả lề lối thông tin), là tờ báo uy tín/ảnh hưởng đứng vào hàng nhất nhì Hoa Lục, nổi tiếng về các bài viết “nêu quan điểm độc lập”, có lượng phát hành 250.000 ấn bản mỗi số, có mạng phóng viên cơ hữu ở nước ngoài, với cơ quan chủ quản là Hội đồng Quản trị Thị trường Chứng khoán (một tổ hợp các tổ chức tài chính của TQ được nhà nước bảo trợ, đứng đầu là Vương Bá Minh, con trai của một cựu Thứ trưởng bộ Ngoại giao TQ).
Sáng lập viên kiêm Tổng biên tập báo Tài Kinh là bà Hồ Thư Lập, từng tham dự cuộc biểu tình của sinh viên Bắc Kinh ở Thiên An Môn, sau đó, tốt nghiệp trường đại học danh giá của Mỹ là Stanford University ở bang California. Bà đã nổi tiếng trong làng báo TQ qua nhiều loạt bài điều tra không khoan nhượng về nạn tham nhũng trong giới đảng viên các cấp của TQ; về các vụ lừa đảo lớn của các tập đoàn kinh tế TQ; về một nền công nghiệp hồn nhiên gây nguy hại ô nhiễm môi trường cực độ; về nạn cường hào ác bá khai thác/chiếm đoạt đất đai khắp các địa phương; hoặc về khả năng cứu hộ thiên tai quá kém của nhà nước, đặc biệt là trong vụ động đất vừa qua tại Tứ Xuyên…
Riêng trong thiên phóng sự về nạn ô nhiễm trên sông Tùng Hoa vào năm 2005, tác giả Hồ Thư Lập đã liệt kê ra 4 “bài học” cho đảng và nhà nước CSTQ: 1) sự cố nguy hại ở cấp quốc tế chứ không chỉ tỉnh hạt Cát Lâm và Hắc Long Giang; 2) chính phủ lẽ ra đã phải minh bạch tin tức để bảo vệ nhân dân Cáp Nhĩ Tân; 3) phải chấn chỉnh cách điều hành guồng máy nhà nước; 4) quy hoạch phát triển đô thị phải dự kiến nhiều nguồn nước sạch khác nhau cho dân. Bài báo đã khiến cho Phó thị trưởng Cát Lâm là Vương Vĩ tự sát; Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường nhà nước là Giải Chấn Hoa từ nhiệm; và ba quan chức lãnh đạo cao cấp của Cty Dầu khí nhà nước bị kỷ luật.
Bà Hồ Thư Lập được tạp chí Foreign Policy của Mỹ tuyên dương là “một trong số 100 trí thức có ảnh hưởng lớn nhất thế giới”. Tạp chí The New Yorker đã từng có bài viết riêng về sự nghiệp/thành tựu của bà. Đài RFI của Pháp mô tả bà là “một nhà báo đam mê với nghiệp vụ hơn là một người có óc nổi loạn chống chế độ”. Còn theo hãng thông tấn Bloomberg và báo Time-CNN thì giới truyền thông Hoa Lục đã mệnh danh bà là “người phụ nữ nguy hiểm nhất TQ”, dựa trên căn bản đánh giá (vẫn do đài RFI ghi nhận): “Nỗi ám ảnh lớn của bà là một nền báo chí Trung Quốc có chất lượng”.
Hồi đầu năm nay, báo Tài Kinh đã được chính phủ chỉ thị cho thu hồi số báo đăng bài phóng sự điều tra tham nhũng của đài Truyền hình Trung ương CCTV. Tòa soạn Tài Kinh chấp hành lệnh này, nhưng mấy ngày sau lại cho đăng tải bài phóng sự đó trên trang báo trực tuyến, đồng thời, tán phát số báo đã thu hồi cho các đại biểu quốc hội TQ.
Đến giữa tháng 7-2009, đảng CSTQ ra chỉ thị “chỉnh đốn” tờ Tài Kinh: a) Phải giảm thiểu/thay đổi phong cách viết/đăng các phóng sự “nóng/tế nhị/vượt ngưỡng”! b) Chỉ được viết/đăng tin/bài trong lĩnh vực kinh tế/tài chính và chỉ được đăng các “nhận định tích cực”.
Cơ quan chủ quản của Tài Kinh hạ lệnh kiểm duyệt mọi bài báo trước khi lên khuôn. Bà Hồ Thư Lập đã phản kháng lệnh đó, nhưng tờ báo vẫn phải cắt bỏ ít nhất 3 bài phóng sự điều tra, bao gồm cả thiên phóng sự về cuộc đàn áp sắc dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (hệ quả là một đặc phái viên của Tài Kinh đã bị trục xuất khỏi thủ phủ Urumqi).
Nhận định về chính sách quản lý Internet của chính phủ Trung Quốc, và cũng để trả lời ngay khi chính quyền TQ khởi dụng phần mềm Green Dam để kiểm soát/ngăn chận việc lướt mạng trên toàn cõi Hoa Lục, bài báo của bà Tổng biên tập Hồ Thư Lập trên tờ Tài Kinh viết rằng nó "thiếu tính chính danh vì không cân bằng được các quyền lợi của nhà nước với quyền lợi công chúng".
Gần giữa tháng 10-2009, Chủ nhiệm Ngô Truyền Huy, Tổng biên tập Hồ Thư Lập, gần 70 nhân viên tòa soạn, cùng với 147 trên tổng số 174 phóng viên của tờ Tài Kinh, đã ký tên đồng loạt từ chức để phản đối chính sách bưng bít/tô hồng thông tin của nhà nước.
Sự kiện này gây chấn động không chỉ trong nội địa TQ, hay chỉ trong làng báo TQ, bởi đây là lần đầu tiên, đảng và nhà nước CSTQ phải đối diện với một phản kháng tập thể, một hình thái đấu tranh bất bạo động ở tầm vóc đó.
Những thông điệp của thái độ dứt khoát tập thể này là gì?
Một là, không chấp nhận nô lệ cho cường quyền để viết tin/bài biện giải hay tô hồng chuốc lục cho các luận điệu gian trá.
Hai là, không chấp nhận đánh mất danh dự/nhân phẩm/lương tri để viết sai sự thật hoặc theo lệnh đặt hàng của đảng và nhà nước.
Ba là, chứng tỏ không phải chỉ có lề phải mới là con đường duy nhất để tiến thân hay bảo vệ được miếng ăn.
Bốn là, chứng nghiệm sự thanh thản tâm hồn một khi góp được tiếng nói vào việc ngăn chận tội ác có tổ chức.
Năm là, hướng dẫn quần chúng nhân dân mục tiêu và cách thức phản đối sự độc tài và độc ác chứ không chỉ ưu ái/chờ đợi tự do suông.
Các phóng viên từ chức của báo Tài Kinh hy vọng rằng bà Hồ Thư Lập sẽ khởi lập một tạp chí khác. Họ bảo: “Bất luận là tạp chí gì, bởi chúng tôi chỉ muốn theo gót bà ta. Chỉ vậy thôi!”.
Không chỉ các phóng viên Tài Kinh. Báo Le Monde ở Pháp viết về bà Hồ Thư Lập như “biểu tượng của một nền báo chí tự do tại TQ”. Trên thực tế, bà đã vượt qua cả ngưỡng biểu tượng để trở thành một gương sáng về đấu tranh, một đích nhắm về lý tưởng của nhiều ký giả/phóng viên khác, không thuộc tòa soạn Tài Kinh. Há chẳng phải chính bà là một ngòi dẫn đấu tranh bất bạo động đó sao?
Trong số 198 phương thức đấu tranh bất bạo động mà TS Gene Sharp cô đọng lại trong quyển cẩm nang Từ Độc Tài Tới Dân Chủ, động thái/tấm gương từ nhiệm tập thể của bà Hồ Thư Lập và các phóng viên báo Tài Kinh có thể được xếp vào nhiều hạng mục khác nhau, nhưng gần gũi nhất vẫn là các phương thức: 113-Đình công tự ngưng việc; 120-Rút lại lòng trung thành đối với nhà nước; 197-Làm việc nhưng không cộng tác; và trên tất cả là động thái biểu tỏ dẫn đường tới số 63-Xã hội bất phục tùng.
Trước đó và tương tự, Hội đồngViện Nghiên cứu Chiến lược IDS ở VN đã bày tỏ thái độ dứt khoát bằng tuyên bố tự giải thể ngày 14-9-2009 vừa qua. Lý do chính là nhằm phản đối quyết định 97. Mục tiêu gần là thể hiện hình thái đấu tranh phản đối tập thể. Mục tiêu xa là quảng bá, vận động cho các nơi khác cùng thực hiện các phương cách đấu tranh bất bạo động.
Vào buổi hoàng hôn của những chế độ cường quyền, bạo lực thường được sử dụng tối đa, cả dạng chìm lẫn nổi, gọi là để giữ “ổn định chính trị”. Trong bối cảnh khắc nghiệt đó, mọi biểu tỏ trí tuệ đều cần đi kèm với tinh thần đại dũng trước những cái giá phải trả sửa soạn theo sau.
Đã có ở TQ một Hồ Thư Lập và ban biên tập Tài Kinh đứng thẳng lưng/viết thẳng nét cho một nền báo chí trung thực và có chất lượng hơn.
Đã có ở VN một IDS quyết giữ phẩm giá người trí thức, nhất định không cúi đầu trước cường quyền vì lợi lộc riêng tư.
Cũng
đã có ở VN một Nguyễn Hoàng Linh viết phóng sự điều tra về vụ nhà nước mua tàu
phế thải của Ukraina; một Lan Anh trình làng vụ bảng giá y dược và Bộ y tế; một
Trung Bảo và chủ nhiệm Nguyễn Trung Dân của báo Du Lịch về vụ Hoàng Trường Sa;
một Osin Huy Đức, một TrangRidisculous, hay một Người Buôn Gió về nhiều lãnh vực…
Và còn rất nhiều người khác nữa, cả bên trong lẫn bên ngoài luồng báo chí chính
quy. Nếu nhại chữ dùng của báo Le Monde, thì đó là những con người vô úy tiên
phong muốn “đẩy lùi lằn ranh của vùng cấm địa” đến khoảng trống minh bạch/trong
sáng.
Xem
ra, trí tuệ và ngòi bút đang liên kết nhịp nhàng các phương thức đấu tranh bất
bạo động để làm riêng một ấn bản “Từ độc
tài tới dân chủ, ở Việt Nam”.
08-12-2009 Đón mừng ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2009.
Blogger Đinh Tấn Lực