DinhTanLuc2 - Uy Quyền của Chính Phủ



Uy Quyền của Chính Phủ

. Đinh Tấn Lực


Trong quy trình thực hiện loạt phóng sự về kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội khóa 12, vào ngày 23-11-2010, hãng thông tấn Ý Dân đã cử phóng viên Ngọc Hà (NH) hẹn gặp, cùng nhâm nhi café đá, và trao đổi với blogger Đinh Tấn Lực (ĐTL). Dưới đây là nội dung trao đổi giữa hai tay Dân báo:

NH: Theo dõi những ngày họp kỳ 8 khóa 12 của QH, cho tới nay, ông có ấn tượng gì rõ nhất?

ĐTL: Giải ấn tượng đậm nét nhất có lẽ phải được trao cho bộ môn mờ mịt nhất: Trách Nhiệm.

NH: Thưa, của ai ạ?

ĐTL: Về phía QH, vẫn là của những đại biểu im lặng. Vì tinh thần kỷ luật cao độ, vì tính khí dĩ hòa di quý, vì thiếu tài liệu để đọc trước, vì kém trình để đào sâu vấn đề, vì phải cân nhắc lợi/hại cho bản thân, hoặc vì gì gì đi nữa… thật ra, nghĩ cho cùng, tại một nơi lẽ ra phải là chỗ sôi nổi tranh luận để tìm cho ra cái giải pháp tốt nhất, không toàn hảo thì chí ít cũng là tối hảo, cho đất nước… thì sự im lặng đáng sợ đó đã phản ảnh toàn diện cái món nợ trách nhiệm với cử tri. Nó cho thấy là, ở đây, người được bầu bằng lá phiếu hành xử cũng chẳng khác gì kẻ được chỉ định bằng lệnh miệng, thậm chí, chẳng khác gì một khán giả ở nhà xem truyền hình.

NH: Còn phía bên kia, là ai?

ĐTL: Đó là phía chính phủ, nắm trọn chức năng hành pháp, và có bổn phận giải trình. Từ khâu báo cáo tình hình/tiến độ… cho tới khâu trả lời chất vấn. Tất cả đã diễn ra cho mọi người chiêm ngưỡng về góc khuất của hai từ Trách Nhiệm, từ hội trường cho tới màn ảnh truyền hình. Điểm đáng ngẫm, lần này, là hệ thống loa từ cổng thông tin chính phủ, đã “tập kích” giữa phiên họp và công khai át giọng (nếu ngại nói là răn đe) các đại biểu QH, trước cả khâu chất vấn. Tiêu biểu là 3 bài báo na ná nhau:

1) “…Có một số đại biểu khi đưa ra những phát biểu mang nặng tính chủ quan và võ đoán của mình trên diễn đàn Quốc hội đã khiến các cử tri phải kinh ngạc vì ở đó không thể hiện một tinh thần khách quan, xây dựng; một sự hiểu biết thấu đáo vấn đề mình đề cập đến, mà chỉ cốt bày tỏ cho được thái độ chủ yếu phủ định đối với các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của cơ quan hành pháp hay các nhân vật có trách nhiệm theo phân công công tác”. (Nguyễn Chính – Dân chủ phải đi đôi với trách nhiệm khi phát ngôn trước công chúng).

2) “…Có hiện tượng một số đại biểu đã có biểu hiện như muốn lạm dụng diễn đàn, đưa ra những nhận định hay thông tin nhiều màu sắc chủ quan, cảm tính, còn chưa được kiểm chứng hoặc về những lĩnh vực không phải chuyên môn sâu của mình nên khó có thể phán định chuẩn xác, thậm chí cả những kiến nghị không mang tính xây dựng, gây nên những dư luận không tốt trong xã hội”. (TS Đinh Thế CườngTrong thử thách, khó khăn, càng cần chung sức, chung lòng).

3) “…Trong khi phát biểu, một vài người còn đưa ra những sự kiện, số liệu chưa được kiểm chứng, có tính cảm tính, suy diễn chủ quan, hiểu biết về luật không thật đầy đủ… Dân mình có câu: ‘Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau’…”. (PGS-TS nhà  thơ/nhà báo Vũ Duy Thông – Chất vấn và trả lời chất vấn phải có tình, có lý).

Song song với 3 luồng răn đe/phủ chụp bằng văn bản chính thức và công khai ngay trên trang mạng cổng thông tin chính phủ, các đại biểu QH, hầu hết là đảng viên CS, cũng khó tránh khỏi các dạng răn đe tinh tế khác bằng lệnh miệng, chạy dọc theo một hệ thống đảng lúc nào cũng muốn vừa lòng.

Tất cả đều nhân danh Trách Nhiệm trước mắt (của bộ phận được giải trình), để ngăn ngừa từ đầu mọi cật vấn đến mức rốt ráo về cái Trách Nhiệm không thấy đâu (của người có bổn phận phải giải trình).

Cái ấn tượng cấp hai, sau Trách Nhiệm, ở đây, chính là tính công khai và chính thức răn đe, phản ánh toàn diện cái Uy Quyền của chính phủ (cần có hay cần củng cố trước đại hội trù bị).

NH: Ông đã 2 lần nói về “lệnh miệng”, vậy, chẳng hóa ra là còn phía thứ ba nữa đó sao?

ĐTL: Bà đúng là …dân làm báo, tôi nói ở ý nghĩa nhanh nhạy/chuyên nghiệp đấy. Vâng. Câu trả lời hay nhất cho phần này, đã được giới bình luận gia quán cóc/xe ôm bình bầu cho GS Vũ Khiêu, người (cùng thời và có thể coi là cùng lứa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp) từng được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng cho cặp đối “Triết gia trong cách mạng – Nghệ sĩ giữa anh hùng”…  Ông ấy nói gì à? Phải nhìn nhận là khéo tuyệt! Phóng viên của trang mạng chính phủ, muốn tự PR cho xếp, hỏi ông đánh giá thế nào về sự điều hành của thủ tướng? Ông bảo:

Tôi không thể đánh giá được, vì làm sao tôi biết được công việc điều hành hàng ngày của Thủ tướng. Chỉ có Đảng cùng các ngành, các cấp có sự liên hệ trực tiếp với công việc điều hành của Thủ tướng mới có sự đánh giá chính xác được. Nhưng tôi nghĩ rằng, Thủ tướng là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với mọi công việc của Chính phủ, nên sự thành công hay sai sót của Chính phủ trước hết phải quy về trách nhiệm của Thủ tướng.

Đánh giá một nhà nước hay một trong những vị đứng đầu nhà nước, trước hết phải căn cứ vào hai tiêu chuẩn sau đây:

1. Đối với Tổ quốc, đã làm những gì để đẩy mạnh sự phát triển của đất nước trên con đường tiến bộ của lịch sử.

2. Đối với nhân dân, đã làm những gì để đem lại đời sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân”.

Ông khơi gợi cho độc giả tự đánh giá:

  • Một là, sự phát triển của đất nước ta chỉ có thể so với chính nó trong những ngày đầu kách mệnh từ đận Ất Dậu, chứ nhìn ra thế giới thì chỉ cần đi loanh quanh khu vực Đông Á này thôi cũng đã đủ thấy nỗi nhục lạc hậu của VN là vô lượng, không thể đong đếm được.
  • Hai là, còn về đời sống của nhân dân, thì chẳng cần đi đâu, cứ ngồi nhà đọc vài tờ báo như CAND, ANTG, Vnexpress hay VietnamNet… là nghiệm ra tất: CA đánh dân/cán bộ hành dân/tham nhũng hại dân ra sao; dân oan khổ ải/công nhân thua thiệt/nông dân bị ép/giáo dục tồi tệ/y tế hiểm nghèo/văn hóa bại hoại thế nào; cho chí tới trí thức bị bưng mắt/bịt miệng kín đến đâu…

Chỉ cần nêu lên 2 tiêu chuẩn đã thắng lợi bước đầu đạt mức “không có gì” vừa kể, GS Vũ Khiêu đã lột da xát muối tính bất lực và tắc trách của chính phủ, đừng nói tới phạm trù điều hành cả quốc gia, mà ngay cả chuyện điều hành nội bộ, cũng chưa thấy cái chính phủ trầy trật và đầy rẫy sai phạm ở mọi cấp này đã dám kỷ luật một ai.

Ông chỉ túm gọn ở đây là “phải quy về trách nhiệm của thủ tướng”, mà đó chính là phần mờ nhạt và ảm đạm nhất trong toàn bộ bức tranh. Ông còn nhắc khéo đến khẩu hiệu “kẻ thù nào cũng đánh thắng”, có lẽ là để ám chỉ đến cái loại kẻ thù nội xâm ai cũng biết mặt mà cực kỳ khó nắm gáy kêu tên này, nói gì tới đánh với chả thắng?

NH: Nhận định như thế liệu là có thiếu công bình trước một guồng cơ chế tròng chéo chằng chịt này không?

ĐTL: Vâng, chính thế! Chính GS Vũ Khiêu cũng đã rào trước, bằng cách nêu lên cái mạng nhện tương quan chằng chịt đó:

Cho nên, có thể nói rằng kết quả điều hành của Chính phủ cũng là kết quả chung của mối quan hệ mật thiết giữa Chính phủ với Đảng và Chính phủ với nhân dân. Trong việc quản lý đất nước ngày nay, Thủ tướng là người chịu trách nhiệm chính nhưng Thủ tướng lại là Ủy viên Bộ Chính trị. Đây là một thuận lợi khiến cho Thủ tướng thường xuyên sinh hoạt với Bộ Chính trị, dễ dàng tiếp thu ý kiến tập thể Bộ Chính trị để vận dụng trong lĩnh vực hoạt động của mình. Ngược lại, Bộ Chính trị cũng thường xuyên hiểu được việc làm của Chính phủ. Chính vì thế mà thành quả của Chính phủ cũng có thể coi như là thành quả của Đảng và trách nhiệm của Chính phủ gắn liền với trách nhiệm của Đảng”.

Có nghĩa rằng, bọn thế lực thù địch có tam quyền phân lập, thì đối lại, ta có bá quyền tập trung. Há chẳng phải đó là thắng lợi hàng đầu từ ngày thống nhất đó sao? Ta đã chẳng giản đơn thống nhất mọi thứ vận mệnh nổi trôi của hơn 80 triệu dân vào cái đỉnh chóp “Top 15” đó sao? Ta đã chẳng gia cố sinh hoạt kiểm soát của đảng từ đỉnh chóp đó ra tới mọi ngóc ngách của cuộc sống cả nước, thậm chí cho tới từng nốt ruồi của gái mại dâm cũng được ghi vào video biên bản lưu hành trên net, đó sao? Ta đã chẳng phát triển đến mức ưu việt một hệ điều hành quốc gia tiến từ nghị quyết cho tới lệnh miệng để gìn giữ sự ổn định xã hội cho cả nước đó sao?

Đấy, địa chỉ cái phía thứ 3 mà khi nãy bà xách mé đề cập tới chính là ở chỗ đấy.

NH: Quá sức tinh tế! GS Vũ Khiêu rõ là bậc thầy của dòng “văn hóa đối thoại Hà Nội gốc”.

ĐTL: Vâng. Chính xác là thế. Nhưng hệ quả của dòng văn hóa đối thoại bùi tai, nghe xong đến tuần sau mới tự vỗ đùi ngộ ra lời mắng te tái ẩn tàng đàng sau cặp môi cười mỉm này, thật ra cũng phải trả cái giá của nó là …khó thấy cái điểm chốt lại của mạch thoại, nói gì tới chuyện có hay không đôi ba cái giải pháp cầm về?

NH: Là sao? Nhờ ông “bạch văn” ra giúp ạ.

ĐTL: GS Vũ Khiêu nói khéo đến nỗi lắm người Hà Nội gốc còn phải đọc lại hai lần mới thấm hết ý ông nói, vậy thì cách gì mà thủ tướng và dàn bộ trưởng của ta ngộ ra? Mà cũng chính vì thế, dễ gì gài được các thứ giải pháp (vốn dĩ phải rành mạch/trong sáng) lẫn vào giữa cái mạch ý tàng long ngọa hổ đó?

Thành ra, cứ bô bô như chệt chạp phô mà lại có lợi, bởi, nếu có còn đọng lại chút gì ở đây thì có thể đó chỉ là cái giải pháp “vừa lòng”, tuy mỏi tay/ê mặt/điếc mũi, nhưng cực kỳ phải đạo của PGS-TS nhà thơ/nhà báo Vũ Duy Thông.

NH: Thế nhưng, sau rốt thì xếp lớn của 3 chàng ngự lâm giữ ngựa kia có hài lòng được điều gì không, theo ông?

ĐTL: Thêm đường đi nào! Cà phê đã lạt đá rồi sao mà lại hỏi khó nhau thế? Hãy thử duyệt lại một vài thời sự gần đây xem sao nhé:

  1. Vụ khai thác bô-xít ở Tây Nguyên được nâng lên thành “chủ trương lớn” có dính líu tới tấm ngân phiếu 150 triệu USD lại quả, vừa mới được truyền thông nước ngoài hâm nóng lại.
  2. Lời phát ngôn ấn tượng “ghét dối trá, thích chân thật” đã trở thành danh ngôn được truy dụng hàng ngày.
  3. Hai vụ kiện đích danh của TS Cù Huy Hà Vũ, đưa tới vở kịch hài cực tồi ở khách sạn Mạch Lâm, ngay sau khi Điếu Cày bị gia hạn tù chồng lên tù, càng khiến dư luận chú ý nhiều hơn vào động lực trả thù cá nhân.
  4. Vụ chỉ thị bằng lệnh miệng lắp tim cho tượng Thánh Gióng và cả tượng ngựa sắt của ngài trở thành đầu đề của nhiều câu chuyện thư giãn cuối tuần.
  5. Vụ ngàn năm Thăng Long thất bại trong dư luận quần chúng, còn tiếp thêm cảnh áo trắng thanh tân đi cứu lụt với những thùng quà in bìa rõ đậm tên riêng thay vì ghi là quà từ chính phủ…
  6. Những nguồn dư luận sầm sì về ngôi nhà thờ họ hoành tráng ở Rạch Giá, so với ngôi đền thờ hoang tàn đến mức không còn tồn tại nữa của anh hùng trận hỏa công Nhật Tảo Nguyễn Trung Trực tại đây.
  7. Vụ QH bác bỏ dự án đường sắt cao tốc mà phía chính phủ từng dồn hết lực lượng ra đấu lý, lần đầu tiên đã ghi thành tiền tiền lệ về khả năng vượt ngưỡng để nói “không” của quốc hội.
  8. Vụ QH đề nghị truy cứu trách nhiệm về sự phá sản của Vinashin, dù không có biểu quyết tín nhiệm, thì tự thân lời đề nghị này cũng đã là một dạng bất tín nhiệm, lần đầu tiên gây sốc trong toàn bộ hệ thống đảng ở đây.
  9. Vụ dằn mặt QH bằng 3 bài viết trên mạng chính phủ, dù là để củng cố uy quyền, hay nhằm để nối lại sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ đảng qua chính phủ xuống QH, thì cũng đã trở thành một ánh đèn pin ngoài đồng giữa ngọ, trong thời buổi a còng này.
  10. Vụ chạy đua nước rút trước đại hội XI này đã có một số chỉ dấu không mấy thuận lợi: Ngay cả quan sát viên Carl Thayer khoanh tay đứng nhìn từ nhà hát con sò cũng bày tỏ những bi quan, đừng nói tới cái ghế tổng bí thư, mà ngay cả cái ghế thủ tướng hiện giờ cũng chỉ còn lại 2 chân…

Với ngần đó thời sự, bà nghĩ là mức độ “vừa lòng” của xếp (như TS Vũ Duy Thông bảo ban/giáo huấn độc giả), hiện đang ở tầng nấc thứ mấy trên thang điểm từ 1 tới 10?

NH: Hãy nhớ rằng tôi là người đang cầm “míc” phỏng vấn, nên rất mong ông đừng hỏi ngược. Và đây là câu hỏi cuối: Nếu (sự vừa lòng) đó là một giải pháp bá láp, thì theo ông, đâu mới là giải pháp tối ưu?

ĐTL: Vâng. Tôi hiểu, tại đây, quyền lực nằm trên đầu “míc”. Nhưng cũng rất mong bà đừng mớm chữ vào miệng tôi, kể cả khi tôi đồng ý với từ “bá láp” của bà. Vậy nhé! Lại thử duyệt lần nữa coi cái gốc vấn đề đang đứng/ngồi/nằm ở đâu cái đã, rồi hẵng bàn tới giải pháp.

Trong số mấy trăm đại biểu QH hiện nay, thành phần đảng viên CS là tuyệt đại đa số, trong đó lại có không ít người kiêm nhiệm thêm một hay nhiều hơn một vị trí bên chính phủ. Họ có cái chức vụ đại biểu là do dân bầu, hay ít ra là thông qua cái quy chế bầu cử của đảng. Ngược lại, họ có cái chức năng đảng biểu, cũng thông qua hình thái đảng cử dân bầu đó, là để đóng dấu dân chủ biểu kiến cho đảng. Hai thứ chức vụ đại biểu trên lý thuyết và chức năng đảng biểu trong thực tiễn này nó ngược hẳn nhau. Tiền lương (và cả bổng lộc các thứ) của họ là từ thuế của dân, nhưng lại do đảng phát. Quan trọng hơn cả lương bổng là lương lậu, đến từ chức quyền (một vốn bốn lời), rõ ràng vẫn do đảng phát cho.

Vậy thì, đâu có gì ngạc nhiên nếu đa số họ thấy đối tượng phục vụ là đảng chứ đâu phải dân? Cũng đâu có gì để thắc mắc một khi đảng cứ quen thói lệnh miệng xuống chính phủ rồi chính phủ lệnh miệng a-lô xuống dàn đại biểu hàng ba (vừa là đảng ủy, vừa là công chức, vừa là đại biểu QH)?

Quy luật xưa giờ là âm binh không thể vật phù thủy, ngoại trừ khi phù thủy cạn phép, hết thời rồi. Tình hình hiện giờ có vẻ đang tiến dần vào cái thế “ngoại trừ khi” vừa nói đó, đặc biệt là ngay trước thềm hiểm họa bắc thuộc lần cuối này. Tiến độ có vẻ ngày càng nhanh, với sự trợ lực hết mình và bất vụ lợi của giới dân báo bloggers trước đây chưa hề có.

3 Dũng “hết thời rồi” thì đã hẵng. Cả cái bộ sậu “Top 15” cá mè một lứa (mà không một bầy) này cũng kiệt quệ người ngợm đến mức chẳng còn dấu ai được nữa (thì làm sao qua mắt các đại biểu QH), tức là cũng “hết thời rồi”.

Còn một điểm then chốt khác nữa, là hiện có một số đại biểu QH có chân đại biểu đảng về dự đại hội toàn đảng vào đầu năm 2011.

Vâng, chính đây là lúc nhắc nhớ cho mọi công dân Việt Nam, kể cả các công dân đang là đại biểu nhân dân tại QH, về cái đêm trước cuộc cách mạng ở Ba Lan.

Vào lúc đó, chính quyền CS Ba Lan vẫn còn y nguyên 2 bộ An ninh và Quốc phòng vũ trang tận răng (lại ít hèn với giặc/ác với dân như 2 bộ tương ứng của ta). Và QH Ba Lan vẫn có tỷ lệ đảng viên không thua kém gì QH Việt Nam ta hiện nay. Vậy mà, chỉ nội trong đêm, qua các tham luận của một số đại biểu và qua các lá phiếu biểu quyết của QH, Ba Lan đã khởi dẫn toàn bộ công cuộc dân chủ hóa Đông Âu theo kiểu quân bài domino ngã dọc xếp chồng lên nhau cho tới cái nôi của chủ nghĩa Mác-Lê là Liên Bang Xô Viết.

Đó là những lá phiếu đã vẽ lại bản đồ thế giới vào cuối thế kỷ 20.

Đó là những lá phiếu đã sắp lại mâm cơm, giá sách và nụ cười cho một phần tư nhân loại.

Có phải đó là loại giải pháp mà bà cũng đang thầm mong trộm nghĩ tới không?

 

23/11/2010 – nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập ngành thanh tra VN

Blogger Đinh Tấn Lực

 

Make a Free Website with Yola.