DinhTanLuc2-Dung Nhan Của Đảng&Diện Mạo Kẻ Thù (I)


Dung Nhan Của Đảng & Diện Mạo Kẻ Thù (I)

. Đinh Tấn Lực


“Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích của Công an Hà Nội. Thủ tướng đánh giá, đây là những chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng Công an Thủ đô. Cùng với những chiến công khác, Công an TP Hà Nội đã thể hiện sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo; thể hiện ý chí tiến công tội phạm đến cùng để đem lại niềm hạnh phúc cho nhân dân và bình yên của Thủ đô, đồng thời làm cho bạn bè quốc tế thêm cảm phục trí tuệ của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam nói chung, Công an TP Hà Nội nói riêng. Những chiến công xuất sắc đó đã tô thắm bản chất tốt đẹp của Công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. QĐND Online – 9/11/2011 .

 

Một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc và hiển thị trọn vẹn bản chất tốt đẹp của Công an được trang trọng đề cập trong đoạn văn đóng khung tô màu nói trên là thuộc về trung tá Nguyễn Văn Ninh, CA phường Thịnh Liệt, Hà Nội, vào ngày 02/03/2011, bởi đương sự đã ra tay đánh gãy 2 đốt sống cổ gây liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp, khiến tắc nghẽn đường phổi của nạn nhân Trịnh Xuân Tùng, ngay giữa đường phố “thủ đô vì hòa bình”. Chỉ vì ông Tùng đã đến trước bến xe Giáp Bát, vướng tội cởi mũ bảo hiểm để gọi điện thoại nhờ người mua hộ vé đi Sài Gòn.

Còn những chiến công khác?

Ngày 17/07/2011, một chiến công tiêu biểu khác của CA “thủ đô anh hùng” lọt vào chân đại úy Minh, kẻ đã đạp vào mặt một người biểu tình (chống TQ gây hấn ngoài Biển Đông) đang bị 4 CA khác khiêng ngửa để quăng lên xe buýt. Ts Nguyễn Quang A, Gs Nguyễn Huệ Chi, Ts Nguyễn Xuân Diện, blogger Phạm Viết Đào, nhà văn Nguyễn Hoàng Đức… (mà báo chính quy gọi là “đội bất đồng chính kiến”) phải giải tán. Một số người khác (thuộc “đội phản động”) như chị Bùi Minh Hằng, anh Ngô Duy Quyền và anh Ngữ bị bắt.

Trong dịp thăng cấp hàm cho 4.732 công an thủ đô hồi giữa tháng 08/2011, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CA Hà Nội, đã trang trọng nhắc nhở các nhân viên dưới quyền “tiếp tục tu dưỡng năng lực chiến đấu”.

Ngày hôm sau, 19/08/2011, UBND Hà Nội ra thông báo yêu cầu nhân dân thủ đô “chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát” trên địa bàn thành phố.

Ngày 27/11/2011, từ 9:30 sáng, đã có hơn 10 người bị bắt đưa về đồn CA Hoàn Kiếm, đồn Trần Nguyên Hãn và về trại Phục Hồi Nhân Phẩm Lộc Hà, Đông Anh… Họ là những người biểu tình ủng hộ thủ tướng đã đồng ý tiến trình xây dựng luật biểu tình. Trong đó có bác Tâm, chị Phương (con gái nhà văn Nguyên Ngọc), chị Trần Thị Nga (Hà Nam), anh Viễn, Người Buôn Gió, Lê Dũng, Lã Dũng, Đoan Trang, Dương Thị Xuân, Nguyễn Văn Phương, Trương Văn Dũng, Lưu Văn Đức , Lê Quốc Quân, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Chính, Peter Vũ và 1 thông tín viên người Việt của hãng thông tấn nước ngoài…

Đại loại, người ta chỉ có thể kể một vài dòng tiêu biểu như trên về các chiến công cực kỳ xứng đáng để  nhận lời chúc mừng và biểu dương thành tích của thủ tướng chính phủ.

*

Còn, nếu buộc phải liệt kê những thành tích “làm cho bạn bè quốc tế thêm cảm phục trí tuệ của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam nói chung”, trên nhiều địa bàn khác nữa, thì e là không xuể:

Truy tìm 4 từ khóa Công An Đánh Dân, Google liệt kê ra 108 TRIỆU kết quả (0.32 seconds).

Hãy thử lược sơ một vài vụ việc tiêu biểu trong vòng vài năm qua để cùng chiêm ngưỡng hình ảnh một Việt Nam, ẩn tàng bên dưới dung nhan của đảng CSVN, trong mắt nhìn cảm phục của bạn bè quốc tế:

08/03/2009: Nguyễn Đình Hoàn – cán bộ quản giáo Trại giam Ngọc Lý, Tân Yên, Bắc Giang, đánh gãy tay một thiếu niên mắc bệnh tâm thần, tại nhà riêng.

21/01/2010: công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đánh chết công dân Nguyễn Quốc Bảo.

20/02/2010: Đỗ Viết Khoa – Trưởng Công an xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, bắt giam công dân Nguyễn Văn Biển. Cha của nạn nhân là ông Nguyễn Văn Năm lên trụ sở CA hỏi thăm, thì bị trưởng CA xã còng tay, dùng dùi cui đánh cho tới khi bất tỉnh.

29/03/2010: công an huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, giả dạng đầu gấu, đánh dân oan đến nhập viện.

30/03/2010: Võ Văn Út Đèo, Phó trưởng công an thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, đã cùng  thượng sĩ CA Danh Nhãn, trung sĩ CA Trần Tuấn Khải và dân quân Nguyễn Quốc Thắng, hợp lực đánh công dân Trần Văn Dữ đến bất tỉnh xong kéo ra hàng rào UBND thị trấn Ngã Năm, bỏ mặc cho đến chết.

24/04/2010: Vũ Văn Duy, thượng sĩ CSGT huyện Diên Khánh, Khánh Hòa, chở công an viên Nguyễn Trọng Hiếu trên môtô, rượt đuổi rồi vung gậy giao thông quật ngã công dân Huỳnh Tấn Nam về tội lái xe máy không đội mũ bảo hiểm. Nạn nhân té xuống đường bất tỉnh còn bị đánh đá tiếp trước khi công an rời bỏ hiện trường. Nạn nhân bị tàn phế vĩnh viễn 77%.

04/05/2010: công an Đà Nẵng cướp quan tài ở Cồn Dầu, đánh chết công dân Nguyễn Thành Năm, một thành viên trong đội trợ tang của Giáo xứ Cồn Dầu, cho dù vợ con nạn nhân đã quỳ lạy xin tha mạng.

07/05/2010: công an Điện Bàn, Quảng Nam đánh chết công dân Võ Văn Khánh rồi báo cáo nạn nhân tự treo cổ bằng dây cột giày.

14/05/2010: công an huyện Chương Mỹ, Hà Hội, chận xe, đòi hối lộ, chưa được toại ý thì đánh công dân Tống Bá Đức bằng dùi cui và còng số 8, cho tới khi nạn nhân cầm cố xe máy cho 1 CA khác để nộp tiền hối lộ.

25/05/2010: công an huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, bắn thủng bàn tay trái của công dân Lê Thị Thanh, bắn chết công dân thiếu niên Lê Xuân Dũng, và bắn chết công dân Lê Hữu Nam ở Nghi Sơn.

07/06/2010: trưởng, phó và 2 công an viên xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông, đã hợp lực đánh chết nạn nhân Nguyễn Phú Trung, vất xác ngay ngoài đường phố.

28/06/2010: công an huyện Đại Từ, Thái Nguyên, đánh chết công dân Vũ Văn Hiền.

23/07/2010: thiếu úy công an Nguyễn Thế Nghiệp, huyện Tân Yên, Bắc Giang, đánh chết công dân Nguyễn Văn Khương về tội không đội mũ bảo hiểm.

06/08/2010: công an thường phục Thái Nguyên bắn thủng đùi xuyên xương chậu công dân Hoàng Thị Trà, về tội không đội mũ bảo hiểm.

14/08/2010: công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang, đánh chết công dân Trần Duy Hải rồi báo cáo nạn nhân tự treo cổ bằng áo sơ mi tay dài.

09/09/2010: công an xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, đánh chết công dân Trần Ngọc Đường rồi báo cáo nạn nhân tự treo cổ bằng dây thắt lưng.

16/09/2010: công an Hà Tĩnh đánh hội đồng công dân Đặng Đình Việt bằng gậy, cho tới khi rất đông người đi đường đến can mới bỏ đi. Nạn nhân phải nhập viện cấp cứu.

18/10/2010: Blogger Anh3Saigon bị vây bắt (về tội hoạt động trong Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do), bị tạm giam, đến 6 tháng sau vợ con mới được vào tù gặp mặt.

19/10/2010: công an thành phố HCM tiếp tục giam giữ Blogger Điếu Cày khi đã mãn án về tội danh “trốn thuế cho thuê nhà!” (đương sự là 1 trong những thành viên sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, bị bắt giam ngay trước ngày VN rước đuốc Olympic Bắc Kinh). Đến tháng 07/2011 thì nhà nước úp mở bắn tin Blogger Điếu Cày bị mất tay trong tù.

05/11/2010: công an TP/HCM bao vây khách sạn Mạch Lâm, bắt Ts Luật gia Cù Huy Hà Vũ với tang chứng 2 bao cao su đã qua sử dụng.

06/11/2010: Bộ công an xác nhận Ts Luật gia Cù Huy Hà Vũ bị bắt về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN” theo điều 88 – Bộ luật hình sự. Cùng ngày, tư gia của ông Vũ tại Hà Nội bị khám xét, bị tịch thu các loại tài liệu Ứng cử chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin; Tranh cử Đại biểu Quốc hội; Kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Tố cáo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh Vũ Hải Triều (về lời tuyên bố đánh sập 300 trang mạng); và  Yêu cầu sửa đổi Hiến pháp.

06/11/2010: công an xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, đánh công dân Lưu Đình Tăng đến phải nhập viện.

12/11/2010: công an Phường Thanh Sơn, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh, tên Kiên, bắt người không nêu lý do, đánh đập ngay tại chỗ, trước cổng Viện Thụy Điển, sau đó đưa về trụ sở đánh tiếp, xong lập biên bản …bắt nhầm người, rồi thả.

24/11/2010: công an xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, Thái Nguyên, bóp cổ và đánh công dân thiếu niên Dương Đình Hiếu bằng dùi cui đến ngất xỉu, xong bắt thân nhân đến ký giấy xác nhận tình trạng sức khỏe bình thường trước khi đón cháu Hiếu về nhà.

28/11/2010: hai công an Khánh Hòa là Trần Bá Tuấn và Nguyễn Đình Quyết đã dùng nhục hình ép cung bà Trần Thị Lan bằng gậy cao su và dùi cui điện đến ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu, nhưng khi ra tòa chỉ bị phạt án treo, vì lý do “động cơ phạm tội của các bị cáo xuất phát trên tinh thần trách nhiệm cao về đấu tranh trấn áp tội phạm, được ngành công an tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen”.

17/12/2010: công an phường Mỹ Bình, Long Xuyên, đánh chết công dân Đặng Văn Đen.

19/12/2010: công an phường Quán Trữ, Hải Phòng, đạp ngã xe để bắt giữ người đi xe máy ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, gây trọng thương cho cả hai nạn nhân rồi tìm cách xóa dấu vết hiện trường.

20/12/2010: công an huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, đã đánh bất tỉnh 3 người dân trong một vụ cưỡng chế lấy đất của dân để phục vụ cho chủ công ty đầu tư Vinatex, sau đó công an bỏ chạy. Vụ việc gây bức xúc khiến cả ngàn người dân xuống đuờng và nhiều người đã đem bạt và chăn màn ra ngủ trên đường quốc lộ.

28/12/2010: công an xã La Phù, Hoài Đức, Hà Tây, đánh hội đồng đến gãy xương sườn công dân Phạm Quang Sơn, mặc cho người thân quỳ lạy xin tha, sau đó, phó công an xã kéo côn đồ về bao vây và đòi giết cả nhà và đốt nhà nạn nhân.

11/01/2011: công an huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, đánh gãy tay công dân Ngô Thị Thu trong lúc biểu tình tố cáo nhà máy nhả khói độc, lại còn tuyên bố rằng nạn nhân chưa chết đâu mà lo.

01/03/2011: công an phường Nghi Tân, Cửa Lò, Nghệ An, đánh hội đồng công dân Nguyễn Văn Hướng bằng dùi cui đến tét đầu, về tội không đội mũ bảo hiểm.

23/03/2011: thiếu tá công an Bùi Minh Thắng, phó trưởng phòng CSGT Hậu Giang, đánh công dân Đỗ Quốc Thái bằng dây thắt lưng đến nhập viện, khi nạn nhân không chịu lái xe taxi vượt đèn đỏ như Thắng yêu cầu. Khi được đưa về trạm CSGT Cửa Ô, Thắng còn buộc đồng nghiệp ở đây phải quỳ lạy, “không tao bắn!”. Bùi Minh Thắng là con ruột của đại tá Bùi Hoàng Bào –  Giám đốc CA tỉnh Hậu Giang.

30/03/2011: trung tá công an Huỳnh Chí Dũng, Tiền Giang, sau khi nhậu say, vào tiệm uốn tóc đòi gội đầu, xong rồi đòi massage, bị từ chối mục này, bèn chửi bới và rượt đánh chủ tiệm.

03/04/2011: Một ngày trước phiên tòa sơ thẩm xử Ts Luật gia Cù Huy Hà Vũ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đảng, Chính phủ trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đại tướng Lê Hồng Anh/ Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng và Trung tướng Bùi Văn Nam; trao Huân chương Quân công hạng Nhì cho các đồng chí Trung tướng Trịnh Lương Hy – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Thiếu tướng Huỳnh Hữu Chiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Đại tá Hoàng Phước Thuận – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị 7 Tổng cục An ninh I.

04/04/2011: công an Hà Nội ngăn chận, vây bắt nhiều người đến tòa dự thính phiên sơ thẩm chớp nhoáng xử Ts Luật gia Cù Huy Hà Vũ, không cần trưng chứng cứ buộc tội. Được đánh giá là 1 phiên tòa lịch sử vì nhà nước đã sử dụng công an và công cụ tư pháp để trả thù một nhân vật bất đồng chính kiến.

06/04/2011: công an phường Tân Phú, Q9, Sài Gòn, (báo chính quy viết tắt tên thủ phạm là N.T.H), mặc cả giá cực rẻ 3 ký lô cua mà không mua được, bèn trả thù người bán hàng (báo viết nguyên tên nạn nhân là Dương Thị Mỹ Ngọc) bằng cách kiếm cớ bắt về phường, đánh đập đến ngất xỉu phải nhập viện, bất kể nạn nhân đang mang thai.

15/04/2011: trung úy công an Thái Quang Vinh, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, cởi áo sắc phục để cầm gạch đánh người khuyết tật là thợ sửa đầu đĩa video, cho đến khi láng giềng can ngăn. Trung úy Vinh chỉ bị kỷ luật cảnh cáo tội lạm quyền, đánh người tàn tật.

16/04/2011: 3 công an viên của xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, đã đánh 2 công dân Trần Văn Nam và Nguyễn Bá Chiến bằng dùi cui đến bất tỉnh, cho tới lúc người nhà đến đưa đi nhập viện cấp cứu

25/04/2011: công dân Nguyễn Công Nhựt bị chết trong trụ sở CA huyện Bến Cát, Bình Dương, sau 5 ngày bị bắt giữ trái pháp luật. Phía CA thông báo với gia đình rằng nạn nhân bị chết là do tự tử.

26/04/2011: công an Bến Cát, Bình Dương, cung cấp cho gia đình nạn nhân 2 “bức thư tuyệt mạng” của anh Nguyễn Công Nhựt gửi cho vợ là chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền. Nội dung 1 thư ca ngợi “Trong mấy ngày này, cơ quan điều tra họ cũng đến trò chuyện, quan tâm giúp đỡ những gì trong khả năng của họ, chị Phượng, anh Phu, anh Phú và anh Nguyên là những người điều tra tuyệt vời nhất, ban đầu gặp họ thì lạnh lùng và quát nạc (nạt) nhưng sau vài ngày tiếp xúc họ cũng có thể hiểu được 70%-80% mình chưa phải là tội phạm”. Còn thư tuyệt mạng thứ nhì là bản ngợi ca tư tưởng Hồ Chí Minh.

27/04/2011: Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết việc mai táng nạn nhân Nguyễn Công Nhựt đã hoàn tất. Dù sợ bị trả thù nhưng chị cũng quyết công bố hai đoạn băng ghi âm hai cuộc điện thoại giữa chị và một người đàn ông tự xưng tên Phú, được chị ghi lại khi chồng chị đang bị tạm giữ ở Công an huyện Bến Cát. Nội dung chủ yếu là ông Phú gạ gẫm chị vào khách sạn với ông ta (phụ lục ở cuối bài).

12/06/2011: trung úy công an Nguyễn Hồng Nguyên, Phan Thiết, cùng với hai thanh niên xung kích là là Võ Ngọc Lâm và Đinh Quốc Toàn đánh hội đồng công dân Vũ Hoàng Long bất tỉnh, phải đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh rồi đưa về Sài Gòn cấp cứu.

15/06/2011: thiếu úy công an Trần Nguyễn Hồng Quang, phường Thủy Xuân, TP Huế, đã đánh cháu Ngô Đình Phát, 11 tuổi, đến phải nhập viện.

26/07/2011:  trung úy công an Lang Thành Dũng, Nha Trang, đã còng tay và đánh đập 2 công dân làm nghề lái xe ôm là Nguyễn Trường Vũ và Trương Trí Bình đến phải nhập viện. Đồng thời, tự tiện giữ xe máy, phôn di động và nhiều triệu đồng tiền mặt của 2 nạn nhân mà không trao biên bản.

30/07/2011-03/08/2011: công an bắt cóc và giam giữ (không lý do, không lệnh bắt, không thông báo) bảy thanh niên Công giáo ở Vinh, phần lớn hoạt động xã hội trong nhóm Bảo Vệ Sự Sống và nhóm Doanh Nhân & Trí Thức. Nhiều thanh niên Công giáo khác bị bắt cóc sau đó, kể cả Blogger Tạ Phong Tần ở Sài Gòn. Ls Lê Quốc Quân trả lời phỏng vấn của đài RFA rằng: “Tôi nghĩ chuyện này là có một chính sách nào đấy mang tính chất bắt giữ hay đàn áp khá rõ ràng đối với người dân, đặc biệt là người Công Giáo”.

07/08/2011: thượng sĩ công an TP Phan Rang Lê Khắc Sáu đánh công dân Trần Gòn đến xuất huyết não.

14/09/2011: trung tá công an Trần Ngọc Anh, Đồng Nai, là điều tra viên thụ lý một vụ trọng án, đã nhận của vợ một bị can 10 triệu đồng để tạo điều kiện cho người này thăm nuôi chồng.

17/09/2011: thượng tá Nguyễn Hoàng Tương, phó công an phường An Hòa, cùng một số cộng sự mặc sắc phục xuất hiện buộc công dân Cao Trọng Lợi phải theo họ về đồn công an “làm việc”. Thấy chuyện lạ, ông Lợi không tuân hành, thì lập tức bị lực lượng CA của Tương còng tay đánh đập, lôi lên một chiếc xe đang đậu chờ sẵn, sau đó thì được thả. Thượng tá Tương chỉ bị kỷ luật tạm đình chỉ công vụ 1 tháng về tội vô cớ đánh người vô tội.

02/10/2011: 3 công an TP Tân An là đại úy Nguyễn Hồng Phong, thượng sĩ Phạm Tiến Phú và thượng sĩ Vũ Trường An, đã đánh trọng thương nạn nhân Nguyễn Hoàng Tuấn phải nhập viện. Đại úy công an Nguyễn Hồng Phong là con trai của đại tá Nguyễn Sáu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An.

22/10/2011: đại úy Đỗ Thành Trung, trưởng công an xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An, đã trói tay nạn nhân, dùng báng súng đập vào đầu dân, gây chấn thương, trong lúc vây bắt một nhóm chơi đá gà.

22/10/2011: trung úy Nguyễn Quý Hà, thuộc đội CS hình sự của Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, đến hàng phở số 52 đường Ngọc Thụy, đánh khách hàng, đánh chủ quán, dọa giật sập tiệm và xử lý toàn bộ gia đình. Lời chủ quán kể lại: “Trung úy Hà đã vào quán và chửi bới, lăng mạ với những lời lẽ hết sức tục tĩu mà tôi không tiện nhắc”.

25/10/2011: công an Thanh Hóa khởi động chiến dịch tung lưới cá bắt tài xế xe máy lạn lách, đánh võng, hoặc không đội mũ bảo hiểm.

26/10/2011: Nguyễn Thanh Sang, công an xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đánh công dân Trương Công Toản đổ máu, ngất xỉu ngay tại trụ sở.

02/11/2011: Trương Văn Lộc, trưởng công an xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Huế, đánh công dân Trần Đua đến ói mửa, bất tỉnh ngay tại trụ sở CA xã.

26/11/2011: Đỗ Cao Đa, phó trưởng công an xã Đông Hưng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, chỉ huy một lực lượng khoảng 10 công an xã, còng tay nạn nhân Bùi Như Ý vào thành phà Chà Là và đánh đập, xong đưa lên bờ, còng tay nạn nhân vào cột cờ đánh tiếp cho đến rạng sáng hôm sau thì nạn nhân ngất xỉu.

30/11/2011: Nguyễn Hoàng Chánh, trưởng công an xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, cùng Huỳnh Tấn Hải , phó công an xã, và 2 công an viên Võ Văn Đời, Lâm Tuấn Khải, cùng đánh người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm đến tàn phế chân phải và bể xương sống mũi.

11/12/2011: Lê Xuân Lương, trưởng CA xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ An, nhậu say, bênh con rễ, đánh tài xế taxi Võ Sĩ Lâm đến ngất xỉu.

23/12/2011: công an bắt giam nhạc sĩ Việt Khang là tác giả hai bài hát “Việt Nam tôi đâu?” và “Anh Là Ai?” nói về lòng yêu nước của người Việt và phản đối chiến dịch trấn áp người biểu tình.

05/01/2012: UBND xã Vinh Quang và UBND huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, đã huy động một lực lượng hùng hậu công an, quân đội, dân quân và chó nghiệp vụ bao vây để cưỡng chế thu hồi khu vực bãi bồi đầm Cống Rộc của công dân Đoàn Văn Vươn. Phản ứng tự vệ của chủ đầm bằng súng hoa cải và mìn tự chế đã trở thành một cơn sóng thần dư luận trong và ngoài nước.

05/01/2012: Lực lượng chính quyền, quân đội và công an cưỡng chế đầm Cống Rộc đã dùng máy ủi san bằng căn nhà của công dân Đoàn Văn Vươn, cho dù ngôi nhà này không thuộc diện tích đất cưỡng chế.

08/01/2012: Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an Hải Phòng tuyên bố: “Từ sau hòa bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế”.

11/01/2012: Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, khẳng định “dứt khoát phải thu hồi (khu đất đầm Cống Rộc)”… “còn để cho ai thuê thì tính sau”.

17-01-2012 – Trần Minh Thái – Phó Thanh tra Sở Tư pháp Quảng Nam, trong buổi triệu tập nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, đã hồn nhiên tuyên bố: “Mặc dù Việt Nam có ký kết các công ước quốc tế nhưng phía Việt Nam không trực tiếp thực hiện các cam kết đó”.

17-01-2012 – Nguyễn Đình Bảy – Phó Thanh tra Sở Tư pháp Quảng Nam, trong buổi triệu tập nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn đã long trọng ban huấn từ: “Anh cứ coi lãnh đạo nhà nước là cha là mẹ, anh là con cái. Khi con cái hư thì cha mẹ xử phạt là đương nhiên. Anh đi nói xấu cha mẹ, cha mẹ la mắng xử phạt là đúng”.

18/01/2012:  Ls Lê Quốc Quân nhận “Quyết định” của phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy Hà Nội, với nội dung là sẽ “giáo dục” ông ở địa phương từ ngày 13/01/2012 đến 13/07/2012. Mục đích là “để tổ trưởng tổ dân phố thường xuyên qua lại, khuyên nhủ, bảo ban, và nếu đi đâu quá 10 ngày là phải báo cáo phường”.

19/01/2012: Tuyên bố trong cuộc họp báo tại Hà Nội nhân chuyến viếng thăm Việt Nam, hai Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Joe Lieberman cho biết Hoa Kỳ vẫn còn nhiều quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

26/01/2012: công an Bắc Giang lại đánh chết người. Nạn nhân mới nhất là công dân Nguyễn Văn Hùng, một người tham gia biểu tình chống cưỡng chế trưng thu đất, ngay vào ngày mùng 4 Tết Nhâm Thìn.

*

Nỗ lực không ngừng nghỉ vừa kể của CA xứ này lại được trang trọng đề cập trong đoạn văn đóng khung tô màu dưới đây, ghi rõ nội dung thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đảng, Chính phủ trong dịp thăng thưởng tướng lãnh & sĩ quan Bộ công an ngay trước ngày xử sơ thẩm Ts Cù Huy Hà Vũ:

Những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng các tập thể, cá nhân thuộc Bộ Công an dịp này là sự ghi nhận, biểu dương về thành tích đấu tranh chuyên án đảm bảo an ninh quốc gia và thành tích thực hiện các kế hoạch công tác đặc biệt phục vụ hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là thành tích trong chuyên án đấu tranh với tổ chức phản động do các đối tượng Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung cầm đầu”. CAND – 04/04/2011

Bảng liệt kê sơ bộ bên trên chỉ là trắc diện của bức chân dung truyền thần đảng và nhà nước CHXHCNVN.

Phần chính diện sẽ được chấm phá trong entry kế tiếp, trước khi phác thảo diện mạo kẻ thù của đảng.

03/02/2012kỷ niệm 82 năm ngày kéo bè kết đảng dập vùi dân tộc và đất nước.

Blogger Đinh Tấn Lực


(*) Phụ lục vụ Án mạng tại trụ sở CA Bến Cát, Bình Dương:

Trích đoạn băng ghi âm giữa ông Phú và chị Tuyền

– Chị Tuyền: Anh hỏi giúp sức khỏe chồng em…
– Ông Phú: Trả ơn anh cái gì?

– Chị Tuyền: Dạ thì anh muốn cái gì?

– Ông Phú: Giờ em đang ở đâu vậy?

– Chị Tuyền: Em đang ở nhà.

– Ông Phú: Ở nhà với ai vậy?

…..

– Ông Phú: Trả ơn anh cái gì?

– Chị Tuyền: Thì anh muốn cho anh cái gì em cho anh cái đó.

– Ông Phú: Giờ anh đòi tầm bậy thì sao?

– Chị Tuyền: Thôi, cái đó không được…


– Ông Phú: Bây giờ chỉ có em mới cứu được chồng em thôi à.

– Chị Tuyền: Sao vậy anh?…

– Ông Phú: Tại vì anh thích cái gì không được thì anh đòi cái đó!


– Chị Tuyền: Thì em mời anh uống cà phê để em hỏi thăm chồng em một chút xíu đó mà.

– Ông Phú: …Gặp mấy chỗ đó không có được, đi vô khách sạn gặp.

– Chị Tuyền: Trời ơi anh cứ thế.

…..

– Chị Tuyền: …Nghe anh nói thì em cũng lo thiệt. Em tin chắc, khẳng định chồng em vô tội!

– Ông Phú: Nếu em có suy nghĩ kiểu đó thì sau này hậu quả… Tại sao ban đầu mình không làm đi?

– Chị Tuyền: Là sao anh?

– Ông Phú: Trời ơi! Mệt em quá đi.

….

– Ông Phú: Có nghĩa là chồng em biết mình phạm tội, kêu lo giùm… bán miếng đất (mà vợ chồng mua) để đền ơn đáp nghĩa mà anh còn không đồng ý.

– Chị Tuyền: Ảnh nói vậy sao?

– Ông Phú: Chứ sao!… Ý anh nói như vậy, em phải hiểu hậu quả.


 

Make a Free Website with Yola.